video

Hỗ trợ trực tuyến


 ĐIỀU HÀNH TOUR

KIM DUNG

0976955076



Dịch vụ khác

CÔNG TY DU LỊCH HÀM RỒNG -: 0976 955076

Chương trình kích cầu du lịch 2016

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, HamRongTour phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chương trình “kích cầu nội địa”, giảm giá tour nội địa nhằm đưa du khách đến nhiều danh thắng trong nước và Quốc tế.

Tin tức Hamrongtour

Phú Thọ

Khu di  tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90 km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng được xây dựng trên núi  Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175 m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam , mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145 m. Ba đỉnh núi: núi Hùng, núi Vặn, núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,..

 

Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như:

 

1.       Cổng đền

2.       Đền Hạ

3.       Nhà bia

4.       Chùa Thiên Quang

5.       Đền Trung

6.       Đền Thượng

7.       Đền Giếng

8.       Đền Tổ Mẫu Âu Cơ

9.       Bảo tàng Hùng Vương

 

Cổng đền

Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

 

Đền Hạ

Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.

Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.

Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945:

 

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

 

Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.

Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.

Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê.

 

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)

Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.

 

Đền Thượng và Lăng Hùng Vương

Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.

 

Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là“Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).

 

Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.

 

Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).

 

Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh)

Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung.

 

Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

 

Đền Tổ mẫu Âu Cơ

Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên.

 

Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.

 

Bảo tàng Hùng Vương

Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1996 và được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi (2003) do Tổng Bí thư Đỗ Mười cắt băng khánh thành. Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất

 

Phong Châu lịch sử”.

Phần trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được tập trung vào 3 chủ đề chính:

-          Giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

-          Giới thiệu việc hình thành khu di tích Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích Đền Hùng của nhân dân cả nước.

-          Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay đối với Đền Hùng.

 

Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người ViệtNam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!

Đền Mẫu Âu Cơ:

 

Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng thời Hậu Lê trên một khoảng đất rộng giữa cánh đồng. Đền nằm ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chínalth Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xung quanh đền có cây cối xum xuê, bốn mùa hương đưa ngan ngát khiến cho lòng người cảm thấy lâng lâng, thư thái đến lạ lùng. Kiến trúc đền Mẫu Âu Cơ tuy không đồ sộ (gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung) nhưng có những bức chạm gỗ quý giá được coi là những tiêu bản của nền nghệ thuật đương đại. Trong đền còn bảo lưu được một hệ thống các di vật cổ có giá trị thẩm mỹ cao như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, Long Ngai, khám thờ.... được đục chảm tỉ mỉ và tinh tế.

Tượng Mẫu Âu Cơ cao 0,85m được đặt trong một khám thờ lồng kính 3 mặt, xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai rất đẹp mắt và mềm mại. Khám thờ được đặt trên thượng cung thờ cao 2,2m rất bề thế ở gian trong cùng của ngôi đền. Tượng Mẫu Âu Cơ ngồi uy nghi trên ngai, mình mặc áo đỏ yếm trắng, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, tay cầm viên ngọc, tay kia đặt lên gối thư thái. Đây là pho tượng được tạo tác vào thời Lê, có giá trị về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ.

 

Có thể nói, đền Mẫu Âu Cơ là di tích thờ Quốc Mẫu quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Phú Thọ. Hàng năm thu hút được đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham quan, tế lễ, nhất là vào dịp lễ hội chính (ngày 7 tháng Giêng).

Mùng bảy đang tiết tháng Giêng
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời
Anh em Bách Việt ta ơi!
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường
Đây ngày hội tế Mẫu vương
Người sinh ra Tổ Hùng Vương nước nhà…

Vườn quốc gia Xuân Sơn:

 

Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vị trí vườn nằm ở đúng điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, cửa ngõ của vùng Tây Bắc Bộ. Được coi là tiềm năng du lịch tự nhiên nổi trội nhất của Phú Thọ, Vườn quốc gia Xuân Sơn xứng đáng là một trong những di sản thiên nhiên đặc sắc của Quốcaltgia. Vẻ đẹp hoang sơ cùng với những nỗ lực tuyệt vời của con người trong việc giữ gìn nơi đây đã tạo nên một bức tranh lôi cuốn ít nơi nào sánh kịp dành cho những du khách thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích 15.048 ha, vùng đệm 18.639 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.099 ha. Điểm đặc trưng của Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha). Xuân Sơn được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan.

Theo thống kê bước đầu, Vườn quốc gia Xuân Sơn có 726 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 475 chi và 134 họ trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Xuân Sơn còn là kho giống bản địa, kho cây thuốc khổng lồ, đặc biệt là cây rau đắng mọc tự nhiên có mật độ cao nhất miền Bắc.

Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ Thế giới. Ngoài các loài đặc trưng cho khu hệ động vật Tây Bắc như Voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,... về chim có gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,... riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Ở vườn quốc gia Xuân Sơn còn có một số loài động vật mang yếu tố Ấn Độ - Mã Lai và yếu tố Hoa Nam, là vùng phân bố Hổ trong bản đồ Việt Nam. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa Vườn quốc gia Xuân Sơn và các vườn quốc gia và khu bảo tồn khác ở miền Bắc.

Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tại đây có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang; các thác nước, nhiều thác có độ cao trên 50m, che phủ những hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Vườn quốc gia thiên nhiên Xuân Sơn có tới 16 hang động đá vôi có kích thước lớn, do quá trình phong hoá, thuỷ hoá tạo thành; thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng; nhiều hang có suối chảy qua lại càng thêm vẻ đẹp hữu tình, kỳ vĩ dọc theo con đường mòn từ xóm Lạng tới xóm Lấp, xóm Còi. Trong đó, hang dài nhất là hang Lạng có chiều dài trên 6.000m, lòng hang rộng, thoáng; có nơi cao tới 20m, có sức chứa vài trăm người. Mỗi hang động đều gắn với những truyền thuyết, sự tích ly kỳ từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc kể lại. Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn với nhiều loại cá nước ngọt lớn và quý.

 

Cộng đồng dân cư ở Xuân Sơn có gần 30 ngàn người, sinh sống thành các cụm bản rải rác, bao gồm các dân tộc Mường, Dao. Do giao thông đi lại khó khăn, các dân tộc ở đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo với lối sống đậm nét văn hoá cổ truyền, chưa bị pha tạp.

Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh. Nhìn chung, không khí ở Xuân Sơn quanh năm trong lành, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Với tiềm năng to lớn kể trên, Xuân Sơn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn các đối tượng du khách như: nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu, leo núi, thám hiểm hang động, tìm hiểu văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số,.....

Đầm Ao Châu:

 

Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, xã Ấm Hạ, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hòa; cách thành phố Việt Trì 65 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội 150 km.

Đầm Ao Châu có diện tích khaltoảng 300 ha mặt nước, trên diện tích khoảng 1.500 ha, xung quanh có thảm thực vật phong phú nằm trên các đồi, núi có độ cao từ 60 m đến 700 m, điển hình như Núi Ông, Núi Vần, Núi Buộm.... Nhiều đồi, núi còn tồn tại nhiều thảm thực vật tự nhiên, nhưng chủ yếu vẫn là lau, sậy, nứa, chè và các bụi cây thấp. Một số đồi được phủ bởi bạch đàn, bồ đề, thông. Sườn đồi, sườn núi thường là các nương bậc thang, bên dưới là ruộng ôm lấy chân đồi hình thành các thửa ruộng bậc thang lượn sóng, xa xa là các ruộng rộng và bằng phẳng. Với địa hình như vậy đã tạo cho Ao Châu hình thành hàng trăm ngách nước, luồn lách giữa các khu vực đồi núi làm cho cảnh trí sơn thuỷ hùng vĩ, còn mang đậm nét nguyên sơ, thuần khiết của tạo hoá. Mực nước trong hồ có độ sâu trung bình là 5,5m, nhiều nơi sâu trên 30m. Điều đặc biệt là quanh năm nước ở Ao Châu không bị cạn, mặt nước trong xanh không bị ô nhiễm, có nhiều thuỷ tộc sinh sống, trong đó có loại quý hiếm như rùa vàng, ba ba, dải... Trong hồ có rất nhiều đảo lớn nhỏ, lâu nay đã được nhân dân trong vùng trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi... đã khiến Ao Châu như một Hạ Long thu nhỏ.

Nằm giữa một vùng đồi thấp, đầm Ao Châu có hình dáng khá đặc biệt. Nhìn trên bản đồ, đầm giống như đầu một con Trâu có hai sừng choãi ra hai phía sông Thao và sông Lô. Đầm Ao Châu có 99 ngách, đan cài vào các đồi, núi, thu nước của 99 con suối nhỏ đổ về. Phía Đông Nam Ao Châu thông với Sông Thao bằng ngòi Lửa Việt.

Với diện tích mặt nước khoảng 300 ha, mặt đầm trải ra mênh mông, phẳng lặng. Nước đầm rất sạch và trong xanh, xung quanh đầm là những đồi cây trái xum xuê đua nhau soi bóng xuống mặt nước. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng hiếm có ở vùng đồi trung du.

Nằm ở huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, khí hậu của Ao Châu mang tính chất của khí hậu miền núi Tây Bắc bộ, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 230c. Tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ khoảng 150c và tháng nóng nhất là tháng 6, nhiệt độ trung bình khoảng trên 280c, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.850mm. Nhìn chung khí hậu khu vực Ao Châu mát mẻ, dễ chịu, không xảy ra hiện tượng nhiệt độ quá thấp trong mùa đông hay thời tiết khô nóng gay gắt trong mùa hè như ở các vùng khác. Không khí trong lành thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng.

Cùng với địa hình, khí hậu, thuỷ văn; thảm thực vật ở Ao Châu góp phần tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Mỗi loại thảm thực vật ở Ao Châu lại tạo nên phong cảnh với nét đặt trưng riêng, hết sức độc đáo như: phong cảnh làng quê Việt nam, thảm thực vật trên núi đá vôi, các quần xã thuỷ sinh... . Chính vì những nét đẹp đó, Ao Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái có khả năng hấp dẫn nhiều đối tượng du khách với các loại hình du lịch chủ yếu như: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi, hái lượm,....

Ao Giời - Suối Tiên:

 

Ao Giời - Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê - huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu 15 km, có ưu thế là liền kề với hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.

 

altĐường tới Ao Giời - Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với  khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm... Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương...

Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây. Theo truyền thuyết: "xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời - Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng". Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.

Ao Giời - Suối Tiên còn nguyên dạng hoang sơ, có tiềm năng du lịch dồi dào, có thể phát triển các loại hình leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học...

Khu mỏ nước khoáng nóng Thanh Thuỷ:

 

Khu mỏ nước khoáng nóng Thanh Thuỷ thuộc địa phận xã La Phù và xã Bảo Yên, huyện Thanh Thuỷ, cách thành phố Việt Trì 30 km, cách Xuân Sơn 60 km.

Qua nghiên cứu cho thấy, mỏ nước khoáng này được phân bố trên diện tích chừng 1 km2, có hình dạng như một quả bầu nậm, kéo dài theo hướng sông Đà. Nhiệt độ trung bình của nước khoáng nóng từ 37oC đến 43oC, tổng trữ lượng là 19.710.000 m3, lưu lượng khai thác đạt 483 m3/ngày. Trong nước khoáng nóng có nhiều hàm chất vi lượng như natri, canxi, magiê, đặc biệt có chứa nhiều hàm chất radon - một loại nước radon quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh.

Với đặc điểm gần Hà Nội, tiếp giáp Hà Tây - mảnh đất nhiều điểm du lịch nổi tiếng cả nước, hơn nữa còn khá nhiều cảnh quan thuộc các xã xung quanh La Phù trên địa bàn huyện Thanh Thủy nên chắc chắn đây sẽ là một sự lựa chọn mới cho du khách khi đến với Phú Thọ!

Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót:

 

Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngã ba Hạc từ lâu đã nổi tiếng bởi vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thuỷ, tụ khí, buôn bán kinh doanh sầm uất. Trên mảnh đất này còn tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hoá, gắn liền với vùng "địa linh, hào khí", bên cạnh đó là những sự tích từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Cho đến ngày nay, vùng ngã ba Hạc vẫn còn tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như thể thao, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí....

 

Ngã ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô, tạo nên dòng trong, dòng đục, nước sông rộng mênh mông như biển cả, xa xa tả có Tam Đảo, hữu có Ba Vì, hai bên bờ là các làng mạc, ruộng vườn tươi tốt, bến sông thuyền bè tấp nập vào ra.... tất cả những phong cảnh đó đã tạo cho ngã ba Hạc có cảnh trí vừa thơ mộng, vừa hữu tình. Bạch Hạc - Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Âu Cơ sinh ra, sau nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền mới có tên là Bến Gót; Đình Bạch Hạc còn có tên là đình thôn Việt Trì là nơi thờ các vua Hùng; Đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ; Miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi; Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần thiêng ở ngã ba sông Hạc..... Ngoài ra trên mảnh đất này còn tồn tại rất nhiều sự tích ly kỳ, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Hội bơi chải, Hội giã bánh dầy,... nói lên sự hình thành tên làng, tên xóm, tên sông, những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của của nhân dân ta gắn liền với nền văn minh sông Hồng và nền văn minh lúa nước.

Với diện tích 100 ha, khu Du lịch Bến Gót được chia thành 2 phần ở bờ Bắc và bờ Nam sông Lô, trong đó phần lãnh thổ phía Bắc (thuộc phường Bến Gót) là chủ yếu. Khu du lịch có đặc trưng điển hình của vùng trung du Bắc Bộ, với địa hình nhấp nhô, phần đất phía Bắc có vị thế như một bán đảo quay về hướng Đông Nam, tạo nên hình ảnh về bến nước, dòng sông. Đặc biệt là sự gắn kết hài hoà giữa đồi núi, cây cối, sông nước tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thích hợp để xây dựng khu du lịch nghỉ ngơi, thư giãn, vọng cảnh. Khu du lịch Bến Gót bao gồm những thành phần chủ yếu như: vui chơi giải trí, thể thao, nhà vườn, cắm trại, khách sạn, nhà nghỉ, câu cá, trại sáng tác, lầu bình thơ,... được tổ chức tạo thành trục chủ đạo đi từ cổng chính đến khu lầu tưởng niệm và vọng cảnh phía bờ sông, kết thúc là Lầu Bạch Hạc. Lầu Bạch Hạc được xây dựng theo hướng vươn cao vừa tượng trưng cho đàn tế trời vừa là nơi du khách có thể ngắm cảnh xa xa, dưới tầng lầu có bia tưởng niệm 100 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ, giúp cho du khách hiểu rõ hơn nguồn gốc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh Lầu Bạch Hạc được tái dựng tảng đá lưu vết chân và hình dáng tiên ông phân định ngôi thứ, mở đầu cho sự hưng thịnh, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam . Phần đất phía Nam chủ yếu dành cho các di tích lịch sử và thể thao nước truyền thống, một phần dành cho các nhà nghỉ nhỏ dưới dạng vườn nông thôn, vườn sinh thái,... Việc phân khu chức năng trên cơ sở địa hình của khu vực quy hoạch và các di tích lịch sử, truyền thuyết sẵn có của khu vực, tạo nên hệ thống không gian sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch

Danh sách khách sạn

KHÁCH SẠN KIM XUYẾN SẦM SƠN

News image

 Khách sạn Sầm Sơn – Kim Xuyến được xây dựng hoàn toàn mới và được đưa vào sử dụng phục vụ quý khách du lịch từ tháng 4 ...

Xem tiếp

KHÁCH SẠN HUY HOÀNG SẦM SƠN

News image

Địa chỉ: Số 16 Đường Tống Duy Tân, Bãi Tắm C, P.Bắc Sơn – Sầm Sơn  Khách sạn Huy Hoàng cách biển 30 m bao gồm 5 tầng với tổng số 30...

Xem tiếp

Vanchai Resort - Sầm Sơn Thanh Hóa

News image

  Thư ngỏ Chào mừng Quý khách đến với Vạn Chài Resort, một thiên đường thanh bình nằm trên bãi biển Sầm Sơn. Vạn Chài Resort mang nét ...

Xem tiếp
Địa danh du lịch

Nghệ An

Quảng Ninh

Gia Lai

Phan Thiết

Bình Định

Hà Tỉnh

Vĩnh Phúc

Đồng Tháp

Quảng Ngãi

Bình Dương

Đồng Nai

Bạc Liêu

Nha Trang

Hải Phòng

An Giang

Thừa Thiên Huế

Bình Phước

Phú Yên

Cà Mau

Sóc Trăng

Thanh Hóa

Quảng Bình

Ninh Bình

Điện Biên

Móng Cái

Quảng Nam

Bắc Giang

Đà Nẵng

Bắc Ninh

Lào Cai

Hà Giang

Ninh Thuận

Bình Thuận

Khánh Hòa

Vĩnh Long

Tây Nguyên

Vĩnh Long

Nam Định

Lâm Đồng

Hải Nam

Hưng Yên

Hải Dương